Ông xã mình thường có thói quen thư giãn ở quán cắt tóc là lấy ráy tai, thế nhưng sáng nay vừa đọc trên báo thấy trường hợp 1 người đàn ông bị những chiếc u nhú mộc dày đặc trong tai do nhiễm HPV từ thiết bị lấy ráy tai không đảm bảo tại quán cắt tóc, mình liền gửi cho chồng xem ngay. Mình cũng chia sẻ lên đây để mọi người cảnh giác khi muốn lấy ráy tai ngoài tiệm cắt tóc nhé!
Người đàn ông vừa rơi vào tình trạng khốn khổ nói trên là ông Huân (70 tuổi, sống tại huyện Nam Đầu, Đài Loan) đến bệnh viện khám với tình trạng bên trong tai rất ngứa ngáy, có cảm giác như bên trong tai mình đang chứa rất nhiều ráy tai nhưng không có cách nào loại bỏ được. Thậm chí, tai bên phải của ông đột nhiên rỉ ra mủ kèm máu và mất dần khả năng nghe. Sau khi nội soi tai cho ông Huân, bác sĩ phải rùng mình khi trông thấy những chiếc u nhú mọc dày đặc trong tai trông như một cây súp lơ.
Bác sĩ cho biết, những chiếc u nhú trong tai ông Huân có nguồn gốc từ virus Human papillomavirus – HPV. Bệnh thường lây lan qua quan hệ nam nữ hoặc do dùng chung đồ dùng như đồ lót, dụng cụ khám, khăn mặt…
Nói về tình trạng của mình, ông Huân cho biết, ông thường có thói quen cạo râu và ngoái tai sau khi cắt tóc tại 1 tiệm gần nhà, vậy nên rất có thể ông đã lây nhiễm bệnh từ đây. Bác sĩ cũng cho biết, rất có thể cửa hàng này đã dùng chung 1 dụng cụ ngoáy tai để làm cho nhiều khách chính vì vậy mà ông Huân đã bị lây HPV của người khác.
Sau cuộc phẫu thuật loại bỏ u nhú trong tai, ông Huân đã khỏe mạnh, có thể nghe được bình thường.
Lấy ráy tai ngoài tiệm coi chừng lây nhiễm bệnh
Nói về mối nguy hiểm từ việc lấy ráy tai ngoài tiệm cắt tóc, GS.TS Phạm Kiên Hữu – trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cảnh báo, nhiều người dùng chung một bộ dụng cụ lấy ráy tai, đặc biệt việc dùng chung các bộ lấy ráy tai không qua khử trùng thường có nguy cơ nhiễm viêm tai ngoài do nhiễm khuẩn, nấm… Người bị viêm tai ngoài do vi khuẩn biểu hiện tai sưng, đỏ, cảm giác đau hoặc tai bị viêm, chảy mủ xanh, hôi. Các trường hợp đến khám viêm tai ngoài do bị lây nấm thường gây tình trạng tai tự tiết dịch, đây là môi trường sống cho nhiều loại vi khuẩn khác. Thậm chí những người bị viêm tai đã chữa khỏi, khi đi lấy ráy tai lại có nguy cơ tái viêm.
Lý giải về điều này, GS.TS Hữu cho biết, tai có cơ chế bảo vệ khỏi nhiễm trùng, môi trường trong tai cần khô ráo. Ráy tai thật ra là kháng sinh tự nhiên giữ môi trường axit trong tai. Khi thường xuyên lấy ráy tai, và không biết cách lấy ráy tai, vô tình lớp bảo vệ đó bị lấy mất, khiến da bị trầy. Khi ấy, tuyến dưới da tiết chất nhầy, vi khuẩn dễ dàng tấn công lớp dưới da gây ngứa, đau. Bên cạnh đó, vô tình đẩy ráy từ ngoài vào bên trong tai.
Do vậy, để tránh bị lây nhiễm bệnh từ việc dùng chung dụng cụ lấy ráy tai, những người nhiều ráy tai nên đến bác sĩ tai mũi họng có dụng cụ chuyên dụng giúp làm sạch tai mà không gây tổn thương, không nên tự ý ngoáy tai hay lấy ráy tai ở tiệm tóc.